Đua diều là một nét văn hóa đặc sắc của đất nước Afghanistan. Hình ảnh cánh diều tượng trưng cho hòa bình và ước mơ tuổi thơ. Lấy bối cảnh chiến tranh. xung đột, ly tán của những năm 80-90 thế kỷ trước, "Người đua diều" là một tiểu thuyết rất chân thực và xúc động về chủ đề tình cảm gia đình.
Nhân vật chính của câu chuyện là Amir, xuất thân gia đình giàu có nhưng có những nỗi bất hạnh riêng. Cậu mất mẹ từ khi mới lọt lòng. Là một người nhạy cảm, sống nội tâm, cậu tự ti trước cái bóng quá lớn của người bố vĩ đại, cậu mặc cảm với lỗi lầm thời thơ ấu. Thật may cuộc đời cậu ngoài người cha Baba có những "người bạn" chân thành: chú Rahim, người bạn "chung một bầu sữa" Hassan, sau này có người vợ Soraya. Trong đó Hassan khiến mình xúc động nhất bởi sự trung thành của cậu dành cho Amir. Ở khía cạnh này, không quá khi so sánh với sự trung thành của loài chó với chủ, sẵn sàng vì chủ mà quên bản thân mình. Hassan trung thành tuyệt đối và có phần mù quáng, điều đó khiến cuộc đời cậu trở thành bi kịch.
Tình cảm gia đình là thiêng liêng. Bằng ngòi bút tài tình của mình, tác giả đã mô tả rất sống động, chân thực về các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dù có lúc này, lúc kia nhưng sợi dây máu mủ không gì có thể dứt được, nó là bất tử. Trong ngày Amir tốt nghiệp, ông Baba buột miệng "ước gì Hassan có mặt ở đây". Vẻ mặt thanh thản của ông Baba, bố của Amir và bà Sasa, mẹ của Hassan khi qua đời có được vì sợi dây máu mủ được hàn gắn.
"Người đua diều" là một câu chuyện không có hậu. Người tốt chịu nhiều cay đắng, khổ cực cho đến lúc ra đi. Nguyên nhân chính là do bối cảnh của câu chuyện, chiến tranh gây nên những bi kịch, bạo lực, mất mát, ly tán và nghèo đói.
Cũng như nhiều cuốn tiểu thuyết khác, Người đua diều để lại nhiều chiêm nghiệm cho người đọc. Cá nhân mình cảm thấy yêu quý cuộc đời hơn, yêu thương gia đình nhỏ của mình nhiều hơn.
0 nhận xét:
Post a Comment