Tuesday, July 16, 2019

Xứ Đông Dương- Hồi ký của Paul Doumer

"Xứ Đông Dương" là hồi ký của Paul Doumer, viết trong thời gian ông làm Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm1902. Đông Dương thời ấy gồm năm xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia) với thủ đô là Hà Nội của chúng ta.

Hồi ký Xứ Đông Dương của Paul- Doumer
Hồi ký Xứ Đông Dương của Paul- Doumer


Toàn quyền thời đó là chức vụ nói theo ngôn ngữ của bà Tân vê lóc ngày nay là "siêu to khổng lồ". Toàn quyền đại diện cho Tổng thống Pháp (nước đô hộ) tại thuộc địa. Vì thế Toàn quyền mới là người có quyền lực cao nhất, chứ hồi đấy Vua, quan ở xứ này chả có vị gì. Nói như vậy để thấy vị thế và cái tầm bao quát của tác giả cuốn hồi ký này. Dù chỉ là một cuốn hồi ký của một cá nhân nhưng nó lại là một tư liệu quý. Nó có giá trị lịch sử, chính trị và văn hóa của ba nước Đông Dương giai đoạn cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi.

Thời đấy người Việt Nam mình thế nào? Nước Việt Nam mình thời đó có gì, những gì người Pháp xây dựng còn gì cho đến ngày nay? Nghe đồn ông tác giả (Paul Doumer) này là một phượt thủ siêu hạng, không biết hành trình của ông tại xứ Đông Dương có gì thú vị? Sự tò mò khiến mình lựa chọn cuốn sách này, và nội dung của nó đã giải đáp cho mình phần nào.

1. Người Việt Nam mình ngày xưa

Người Việt Nam mình hồi đó cũng như bây giờ, bao gồm nhiều dân tộc. Trong đó đông nhất và là đại diện là người An nam (Kinh).Về người An Nam, cuốn hồi ký viết như thế này:

" Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một quốc gia nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc. Đó là một quy luật chung mà tôi đã kiểm chứng trên khoảng hai mươi chủng tộc của nhân loại."

Người An Nam không có sức khỏe cơ bắp như người Hoa, vì thế việc tán đinh thép trên cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay), một công việc đòi hỏi sức khỏe ban đầu được giao cho người Hoa. Tuy nhiên sau đó công việc này được giao hết cho người An Nam do "họ tích cực và khéo léo đến mức tạo ra năng suất cao hơn". Những công nhân An Nam cũng được nhận xét là "bé nhỏ can đảm", "không sợ hãi, không phản đối" khi làm những công việc mạo hiểm trong quá trình thi công cầu Doumer.

Phố Cổ Hà Nội xưa là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công. Các thợ thủ công Bắc Kỳ được nhận xét "làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ, và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự".

Đó là những nhận xét chung về người An Nam, chủ yếu qua đánh giá về những người lính và người thợ. Còn đối với tầng lớp vua quan, tác giả cũng thường dành cho họ những sự kính trọng nhất định. Ví dụ, viết về vua Thành Thái, Paul Doumer nhận xét nhà vua là một thanh niên trẻ tuổi, thông minh, không chịu ép mình vào khuôn phép và "luôn nhìn thẳng".

2. Việt Nam ta thời ấy có gì

Ngoại trừ Trung Kỳ được ví như "chiếc đòn gánh khô cằn" thì Nam Kỳ và Bắc Kỳ được ví là "hai thúng gạo" treo ở hai đầu đòn gánh. Xứ An Nam được đánh giá là giàu tài nguyên và được thiên nhiên ưu đãi.

Nam Kỳ đặc biệt trù phú và giàu có. Người nông dân ở xứ này không cần phải quá vất vả để có một cuộc sống no đủ. Nam Kỳ có hai "thành phố" lớn là Sài Gòn và Chợ Lớn. Sài Gòn là trung tâm hành chính của Nam Kỳ và là "thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông". Chợ Lớn là trung tâm buôn bán sầm uất và là chợ lúa gạo lớn của Nam Kỳ. "Chợ Lớn là một thành phố sạch sẽ, nề nếp, mọi thứ như ở châu Âu, mặc dù có một số đường phố giống kiểu phương Đông, người đông như kiến. Người Pháp cho tới nay cũng chỉ đạt được kết quả như vậy."

Trong những trang viết của mình, Paul Doumer đã không giấu nổi sự ngạc nhiên dành cho sự phát triển của Sài Gòn, Chợ Lớn thời ấy. Khác với Bắc Kỳ, ở Nam Kỳ dấu ấn của người Hoa đối với sự phồn vinh của nơi này là hết sức đậm nét. Đặc biệt ở Chợ Lớn, "hầu hết các thương nhân, người bán lẻ, người bán hàng rong đều là người Hoa". 

Ở Trung Kỳ có kinh đô Huế là nơi diễn ra các hoạt động của triều đình phong kiến. Giai đoạn này là thời kỳ trị vì của vua Thành Thái. Kinh thành Huế dù bị tàn phá bởi cuộc đổ bộ của người Pháp năm 1958 xong vẫn giữ được những công trình tiêu biểu và gây ấn tượng mạnh mẽ với Paul Doumer trong lần đầu tới đây:

"Khung cảnh nơi này thật tuyệt diệu, đẹp đẽ và oai nghiêm đến từng chi tiết. Nó cổ xưa hết mức, hoành tráng, vàng son, nhưng in dấu thời gian, tất thảy những gì đem lại cho người ta ấn tượng về sự tôn quý hơn là về sức mạnh, về tính tượng trưng hơn là hành động". 

Huế cho đến ngày nay vẫn vậy, vẫn nổi bật với Hoàng thành, với những đền đài, lăng tẩm, với sông Hương, núi Ngự. Nhưng thời của Paul Doumer, khi mới đến, sông Hương kém phần thơ mộng khi chưa có cầu Trường Tiền. Sau này cầu mới được ông cho xây dựng.


Cầu Long Biên xưa
Cầu Long Biên xưa


Ngoài cầu Trường Tiền, Paul Doumer còn cho xây dựng cầu Long Biên (hồi đó có tên Doumer) ở Hà Nội, cầu Bình Lợi ở Sài Gòn và nhiều cây cầu khác. Thật thú vị, cầu Việt Trì quê mình cũng được xây dựng thời gian này. Một cây cầu đẹp nhưng thật đáng tiếc đã bị đánh sập trong thời gian chiến tranh sau đó.


Cầu Việt Trì xưa đẹp mê hồn
Cầu Việt Trì xưa đẹp mê hồn

Qua những trang sách của Paul Doumer thì thấy Trung kỳ hồi đó ngoại trừ Huế ra, còn lại rất nghèo nàn về cơ sở vật chất. Đà Nẵng thì "hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, khoảng 12 ngôi nhà phong cách châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều. Tất cả như những dấu chấm trên cát biển bao la. Thành phố buồn. Không đường, không cây, không vườn, không bến sông. Chỉ có những cây keo và một vài bức tường sắp đổ"

Đó là Đà Nẵng, còn Nha Trang thì còn hoang sơ hơn thế. Nha Trang ít dân cư nhưng động vật đa dạng và đặc biệt nhiều hổ. Vì thế khu vực này hồi đó còn được gọi là "Vùng hổ". Cũng như vậy, Đà Lạt hồi đó vẫn còn là nàng công chúa ngủ trong rừng. Sau này Đà Lạt  mới thành khu nghỉ dưỡng với công lớn của một tên tuổi lừng danh là bác sỹ Yersin.

3. Về phượt thủ Paul Doumer

Toàn quyền Paul Doumer là một phượt thủ siêu hạng. Đọc hồi ký của ông, thấy điểm nổi bật là ông đi rất nhiều, khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, Lào, Cam pu chia và cả Thái Lan nữa. Phương tiện đi lại phổ biến là tàu thủy và ngựa, đi cả ngày lẫn đêm. Không những đi nhiều, ông còn là người có óc quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú và có khả năng mô tả. Những dòng hồi ký của ông rất sống động và hấp dẫn.

Paul Doumer là một người yêu nước, tất nhiên là yêu nước Pháp của ông rồi. Đọc cuốn hồi ký, có một cảm tưởng tất cả những gì ông làm đều vì lợi ích của nước Pháp, kể từ việc chia tay con cái để nhận nhiệm vụ cho tới sự quyết liệt trong công việc ở Đông Dương.

Dưới thời Paul Doumer, công cuộc khai thác thuộc địa được đẩy mạnh. Tuy nhiên ông cũng có công trong việc phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng. Cầu Long Biên, cầu Trường Tiền, hệ thống đường sắt còn lại cho đến ngày nay là một ví dụ. 

Paul Doumer sau khi kết thúc công việc ở Đông Dương, trở về Pháp còn được bầu làm Tổng thống. Thật đáng tiếc nhiệm kỳ của ông kết thúc sớm do bị ám sát. Tuy nhiên với những trải nghiệm đã có và với những thành tựu để lại, Paul Doumer quả thực đã có một cuộc đời đáng sống.

0 nhận xét:

Post a Comment