Nhà vua thời đó được báo mộng sắp có một vị vua mới ra đời. Sợ bị mất ngôi, nhà vua cho lùng bắt những đứa trẻ sơ sinh. Đó là nguyên nhân Chúa Giesu sinh ra trong hang đá lạnh lẽo, tại một nơi hẻo lánh, bí mật để trốn lệnh vua.
Đêm Giáng sinh, ở nhà thờ nào cũng vậy, hang đá luôn là một trong những điểm dừng chân nhiều nhất của mọi người. Trong hang đá có tượng chúa hài đồng nằm trong máng cỏ bên bố mẹ và những chú cừu non (chiên). Phía trên có thiên thần báo tin.
Trong ký ức tuổi thơ của mình, hang đá nhà thờ là nơi ấm áp nhất đêm Giáng sinh. Lần nào cũng vậy, luôn là một sự háo hức ngắm nhìn hang đá. Bạn bè mình cũng vậy, cả xã theo đạo nên đêm giáng sinh mình gặp không sót một đứa nào. Ở trường thì đủ thể loại nhất quỷ nhì ma, đấm nhau như cơm bữa nhưng đến nhà thờ đứa nào cũng hiền như cún. Không đứa nào dám chen lấn xô đẩy, sự thành kính từ thế hệ ông bà, bố mẹ tự nhiên truyền sang cho con cái.
Ngoài ra, ở nhà thờ còn có ông Trùm, mình không rõ chức năng của ông ở nhà thờ là gì nhưng mà ông luôn có một cái roi mây, sẵn sàng quất vào đít đứa nào lộn xộn nên đứa nào cũng sợ. Đôi ba lần mình thấy ông nội mình đứng nói chuyện với ông trùm. "Nhà tao anh em với ông Trùm", mình buông lời đường mật với bọn bạn, tự nhiên mình uy tín hẳn, một thời dọa được mấy thằng lấc cấc, có ý đồ bắt nạt.
Mấy năm gần đây kinh tế khá giả, quê mình xuất hiện các nhà thờ ở các khu, dành riêng cho khu đó. Các khu cũng tự làm hang đá trong ngày lễ Giáng sinh, đèn điện sáng trưng, nhạc xập xình inh ỏi. Cũng vui nhưng mình cảm thấy cái ấm áp không được như như ngày xưa. Và cái cảm giác hồi hộp mỗi lần chen nhau ngó đầu vào trong hang đá mãi mãi sẽ không còn.
0 nhận xét:
Post a Comment