Thursday, January 16, 2020

Khám phá tháp đôi Quy Nhơn- Biểu tượng du lịch Bình Định

Tháp đôi là một biểu tượng của thành phố Quy Nhơn. Nếu bạn để ý, trong những bài viết hay tờ rơi giới thiệu du lịch Quy Nhơn- Bình Định, Tháp đôi luôn được trình bày ở vị trí trang trọng. Vì thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Quy Nhơn, gia đình mình vẫn cố gắng sắp xếp để đến tham quan một lần. Thật may là Tháp đôi Quy Nhơn nằm ngay ở trong lòng thành phố vì thế mà việc di chuyển khá là thuận lợi. À, giá vé vao tháp đôi quy nhơn là 20k/ vé các bạn nhé. Nhà mình có 2 người lớn nên chỉ phải mua hai vé thôi.

Tháp đôi Quy Nhơn
Tháp đôi Quy Nhơn

Tháp đôi Quy Nhơn là một công trình tiêu biểu còn sót lại của đế quốc Champa xưa kia. Theo những nhà nghiên cứu lịch sử thì Tháp đôi được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ X đến XV. Tính đến nay, Tháp có tuổi đời cũng ít nhất phải 600 năm. Ở Việt Nam hiếm có công trình nào có tuổi đời lớn như thế mà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay như vậy.

Tháp đôi tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, giữa trung tâm thành phố Quy Nhơn. Sở dĩ gọi là tháp đôi vì trong khuôn viên di tích có 2 tháp đứng sát nhau. Hai tháp có kích cỡ không tương đồng, tháp lớn hơn có chiều cao khoảng 20m, tháp nhỏ hơn cao khoảng 18m. Hai tháp có hình dáng, cấu trúc và màu sắc đặc trưng của văn hóa Chăm pa, khá tương đồng với các tháp Chăm ở Nha trang hay Bình Thuận.

Khuôn viên di tích khá rộng, tuy nhiên vẫn là chưa tương xứng với kích thước của hệ thống tháp đôi. Trong khuôn viên di tích, rất khó để có thể chụp toàn cảnh hệ thống tháp đôi.

Kỹ thuật xây dựng tháp Chăm cho đến ngày nay vẫn còn là một bí ẩn chưa được làm sáng rõ. Vật liệu để xây dựng tháp Chăm chủ yếu là gạch nung. Tuy nhiên chất liệu để gắn kết những viên gạch nung lại là gì thì chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thời đó chưa có xi măng, không biết người Chăm dùng chất kết dính gì mà những công trình của họ vẫn có độ bền vững đáng kinh ngạc. Hơn thế nữa, tính thẩm mỹ trong các công trình xây dựng của người Chăm rất cao. Những viên gạch được xếp chồng lên nhau rất ngay hàng thẳng lối và khít khìn khịt, gần như không thấy dấu hiệu của mạch vữa.

Lối lên cửa tháp là những bậc xây bằng gạch chạy dần lên cao. Cửa vào được đặt ở trên cao làm tăng thêm tính tôn nghiêm cho khu vực làm lễ.

Bên trong tháp nhỏ có một bàn thờ bằng đá, khá đơn sơ. Bên trong tháp lớn có bàn thờ và linh vật bằng đá đặt phía sau. Linh vật được chạm khắc có hình dáng giống như một cái cối xay bột. Trên thân linh vật có khắc hoa văn nhìn rất lạ. Ngoài trời, thời tiết ở Quy Nhơn lúc này khá nóng nhưng ở trong tháp lại có cảm giác lạnh gáy. 

Tháp đôi chính là điểm tham quan cuối cùng của nhà mình trong chuyến đi Quy Nhơn lần này. Thời gian có hạn, vẫn còn nhiều địa điểm ở Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung mình chưa đến được. Hy vọng có dịp quay lại Quy Nhơn, gặp lại Tháp Đôi trong chuyến đi lần sau.

Video:


1 nhận xét:

  1. Tháp Đôi được xem là biểu tượng của du lịch Quy Nhơn ! Rất mong địa điểm này sẽ được nhiều du khách quan tâm hơn trong thời gian tới!
    Tour Quy Nhơn

    ReplyDelete