Monday, May 29, 2017

Bà nội

Bà nội mình mấy hôm nay bị tai biến mạch máu não, hôn mê phải nằm viện. Rạng sáng tỉnh giấc bỗng thấy có con chim sẻ không biết ở đâu bay lạc vào trong nhà đập cánh bay loạn xạ, buổi chiều ngày hôm đó bà ra đi.

Nụ cười tỏa nắng của Bà nội. Cái áo bà đang mặc là áo của mình bỏ từ hồi học cấp 2
Nụ cười tỏa nắng của Bà nội. Cái áo bà đang mặc là áo của mình bỏ từ hồi học cấp 2

Bà nội mình là người phụ nữ đảm đang. Ông đi bộ đội, một tay bà lo việc nhà, nuôi dạy hai con ăn học đến nơi đến chốn, được làm người Nhà nước, là điều hiếm thấy ở vùng quê vốn ít học như quê mình.

Bà kể ngày trẻ bà làm đủ nghề, buôn bán đủ thứ thượng vàng hạ cám khắp nơi từ Phú Thọ xuống Hà Nội và các vùng lân cận. Bọn mình cứ có dịp lại gạ bà kể chuyện ngày xưa, chuyện bà chạy tàu bay địch mà thất lạc mất gánh muối, chuyện bà lỡ tàu xe phải ngủ lại ở chân cầu Long Biên, chân chùa Một Cột, chuyện bà đi đò bị đắm suýt chết đuối trên sông,.... Hồi mình còn nhỏ, bà với ông vẫn duy trì nghề làm tương bán ở chợ khá đắt hàng. Nhà mình hiện giờ vẫn còn la liệt chum, vại, bể nước là dấu tích của thời kỳ làm tương ngày ấy. Sau này khi đã già yếu, bà vẫn đi chợ hàng ngày để bán những thứ lặt vặt trong vườn nhà, lúc thì nải chuối quả mít, lúc thì mấy mớ rau, khi thì con gà. Mỗi lần về nghỉ Tết, mình hoặc cô em gái lại thường bị bà gọi dậy theo bà lên chợ phụ bà bán hàng từ tờ mờ sáng . Hồi ấy bọn mình cứ cằn nhằn suốt, đang tuổi ăn tuổi lớn nên dậy sớm là một cực hình.

Bà mình gầy gò nhưng lại ẩn chứa một tinh thần kiên cường và mạnh mẽ. Nghe nói hồi trẻ mấy chị em bà nổi tiếng đanh đá. Mình chưa từng thấy bà sợ ai hay run rẩy trước tình huống nào bao giờ. Con cháu bà chẳng ai được mạnh mẽ như thế. Hồi nhỏ đôi khi mình bị bạn bè bắt nạt, bà thường quát mình sao không "túm lấy cổ áo, thụi cho nó mấy quả xem nó ra làm sao", mình đếch dám, toàn gọi hội, he he.

Bà nội mình không được học hành nhiều nhưng bà thuộc truyện Kiều, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ. Bà sử dụng văn thơ vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của mình thành thục như ăn cơm vậy, rất dễ nghe và thuyết phục. Con cháu rất thích ngồi hóng bà nói chuyện, đôi lúc lại tâm đắc nháy nhau cười rúc rích. 

Bà nội mình là người tiết kiệm đến mức kham khổ. Thói quen sống tiết kiệm bà duy trì cho đến cuối đời, ngay cả khi kinh tế gia đình cũng không đến nỗi nào nữa. Con cháu thấy bà mặc áo vá, đi dép nhựa hàn quai thì thương mua cho bà đồ mới nhưng bà không dùng, lại cất vào tủ cho khỏi cũ. Hồi mình mới cưới, hai vợ chồng đi tuần trăng mật về có mua tặng mà cái áo bông thêu hoa rất đẹp. Hôm soạn đồ để hóa theo cho bà thấy nó vẫn được bà xếp gọn gàng trong ngăn tủ, hình như chưa mặc lần nào suốt cả chục năm nay. Mùa đông bà toàn mặc cái áo bông cũ mình bỏ từ hồi học cấp 3. Tự nhiên thấy thương bà mà rưng rưng nước mắt.

Bà ra đi để lại nhớ thương cho con cháu. Mình nhớ mãi những ngày thơ bé đi học xa nhà, bà thỉnh thoảng lại bị ông mắng vì tội sụt sùi khi cháu sang chào để về trường, nhớ mãi những bữa cơm bà nấu vội cho cháu kịp chuyến xe, nhớ mãi dáng bà liêu xiêu trong chiều mưa khi mang nắm xôi nhộng kiến lên phố chợ cho cháu.

Hôm bị tai biến, sợ phải nằm viện dài ngày bà cứ than thở mãi "lại làm khổ con cháu rồi", nào ngờ bà ra đi nhanh quá. Thật may mình cũng kịp động viên bà mấy câu lúc bệnh tình của bà chuyển biến xấu. Nếu Chúa có gọi, Bà hãy yên lòng bà nhé. Cha xứ đã làm phép kẻ liệt cho Bà rồi và ở nơi ấy có Ông nội đang đợi Bà. Các con, cháu ở nơi này sẽ mãi nhớ và cầu nguyện cho Bà. Chiều hôm ấy Bà ra đi, nét mặt Bà rất thanh thản.

Bà nội cùng các cháu, chắt
Bà nội cùng các cháu, chắt

   











0 nhận xét:

Post a Comment