Tuesday, January 7, 2020

Thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn

Tháng 12 vừa qua mình đã có chuyến du lịch Quy Nhơn, Bình Định. Trong thời gian ngắn ngủi ở đây, mình đã tranh thủ đến thăm mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mộ của nhà thơ hiện được đặt ở khu di tích lịch sử Ghềnh Ráng, Tiên Sa. Ghềnh Ráng cũng chính là nơi nhà thơ lưu trú trong những ngày cuối đời của mình, khi điều trị tại bệnh viện phong Quy Hòa, Quy Nhơn.


Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới. Ông nổi tiếng khi còn rất trẻ nhưng căn bệnh phong đã khiến tài năng của ông sớm lụi tàn. Ông ra đi khi mới được hai mươi tám tuổi, cái tuổi đang tràn đầy yêu thương, tràn đầy khát khao được sống. Không những thế, căn bệnh phong hủi còn khiến ông bị người đời xa lánh, cách ly khỏi người thân, bạn bè. Trong những năm tháng cuối đời, nhà thơ sống trong đau khổ và tuyệt vọng. Câu chuyện về nhà thơ tài năng nhưng bạc phận là động lực khiến mình nhất định phải đến thắp cho ông một nén hương trong chuyến đi Quy Nhơn lần này.

Phần mộ của nhà thơ hiện đã được gia đình và những độc giả thương mến ông xây dựng khá khang trang. Phần mộ nằm tựa lưng vào núi, nhìn ra biển Quy Nhơn rì rào sóng vỗ. Đường lên ngôi mộ được lát đá và có 45 bậc tất cả. Hai bên đường đi có thảm cỏ và hàng cau tỏa bóng mát.

Hàn Mặc Tử là người công giáo nên mộ được xây dựng theo phong cách của người công giáo. Sau mộ có tượng Đức Mẹ nhân từ nhìn xuống như muốn che chở cho một linh hồn nhiều đau khổ.

Bia mộ của Hàn Mặc Tử có viết: Đây là nơi an nghỉ trong tay Đức mẹ Mari a. Hàn Mạc Tử tức Phero Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22-9-1912 tại Quảng Bình, mất ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định.

Bia mộ ghi tên Hàn Mạc Tử chứ không phải Hàn Mặc Tử. Sở dĩ như vậy bởi vì sinh thời nhà thơ sử dụng cả hai bút danh, nhưng bút danh Hàn Mạc Tử mới là bút danh nhà thơ sử dụng nhiều hơn và sử dụng trước bút danh Hàn Mặc Tử.
Gần tám mươi năm kể từ ngày nhà thơ trở về với Chúa, vẫn có rất nhiều người nhớ đến ông mà đến viếng thăm. Người đời vẫn nhớ đến ông với niềm tiếc thương cho một kiếp người đau khổ, một tài năng sớm nở rực rỡ nhưng mau lụi tàn. Hàn Mặc Tử ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ thế nhưng thơ ông để lại là một di sản đồ sộ, bất chấp một lượng lớn bị thất lạc.

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ Điền

Rồi:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
...................................................
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Có ai còn nhớ không, những câu thơ của Hàn Mặc Tử bọn mình đã được học hồi phổ thông đấy. Hàn Mặc Tử, một cuộc đời ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học nước nhà. Suy cho cùng, Hàn Mặc Tử đã sống một cuộc đời không hoài phí. Hai mươi tám năm hay một trăm năm, so với dòng thời gian vô cùng vô tận thì có khác gì nhau đâu, cũng chỉ là một lát cắt rất mỏng mà thôi.

0 nhận xét:

Post a Comment