Cái Bè là một huyện của tỉnh Tiền Giang, nơi có chợ nổi Cái Bè nổi tiếng, có những vườn cây trái xum xuê quanh năm và có nét văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Chưa từng đi miền Tây lần nào, vì thế đợt đi Sài Gòn vừa rồi mình cố gắng tranh thủ về Tiền Giang tham quan một chuyến.
|
Những cô gái miền Tây áo xanh, áo tím chèo thyền ở Cái Bè, Tiền Giang |
Mình lựa chọn Tiền Giang bởi vì Tiền Giang là tỉnh miền Tây gần Sài Gòn nhất. Trong thời gian có hạn là một ngày, mình dự kiến đi một số địa danh nổi tiếng của Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho và huyện Cái Bè. Tuy nhiên sau mình phải cân nhắc lại vì còn phải trừ thời gian đi và về nữa. Nếu đi cả hai địa điểm thì tối sẽ không kịp về Sài Gòn, vì thế mình lựa chọn phương án đi thẳng Cái Bè mà không dừng lại ở thành phố Mỹ Tho nữa.
Khoảng cách từ trung tâm Sài Gòn đến Cái Bè, Tiền Giang khoảng 120 km. Buổi sớm hôm ấy mình ra Bến xe Miền Tây mua vé xe khách, 48000 đồng một vé. Về Tiền Giang dường như không có xe chất lượng cao thì phải, mình để ý khu vực xe khách về tỉnh này có vài xe nhưng đều là xe nhỏ, loại 25 chỗ ngồi và đều là xe đã cũ.
Xe rời bến xe miền Tây, theo đường Kinh Dương Vương rồi rẽ phải theo cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương đi các tỉnh miền Tây. Phụ xe thu thêm mỗi người năm nghìn đồng nữa để "đi cao tốc cho nhanh".
Mặc dù không phải ngày nghỉ nhưng khách đi xe khá đông, đa phần là các cô, các bác độ tuổi trung niên trở lên, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Khác với không khí trật tự ở ngoài Bắc, khách đi xe trong này trò chuyện khá rôm rả. Mình ngồi cạnh một cô lớn tuổi, cô chủ động hỏi chuyện mình. Thấy mình bảo mình đi du lịch miền Tây một mình thì cô kêu trời, bảo đi một mình sao vui được. Đi chơi phải có người yêu hoặc bạn bè đi cùng, có người nói chuyện, tán dóc thì mới vui được chứ. Mình nói đùa bảo cháu chưa có người yêu, lần này về miền Tây xem có kiếm được cô nào đi chơi cùng không, Cô cười lớn bảo gái miền Tây khéo lắm và dọa mình cẩn thận kẻo quên mất đường về, he he.
Xe chạy khá nhanh, qua nhà cửa, ruộng đồng hai bên đường cao tốc. Miền Tây có khác, ruộng đồng thẳng cánh cò bay và rất nhiều vườn dừa sai trĩu quả. Mất khoảng hai tiếng rưỡi, mình đến bến xe thị trấn Cái Bè vào cuối buổi sáng, trời nắng nhưng không khí thoáng, không oi bức, toát mồ hôi đầm đìa như ở ngoài Bắc.
Anh xe ôm chở mình ra bến tàu tham quan chợ nổi Cái Bè. Lịch trình của tàu chở khách tham quan sẽ qua ba địa điểm: Chợ nổi Cái Bè, làng nghề (làm bánh tráng, kẹo dừa, nuôi ong) và cuối cùng cồn Tân Phong (Cai Lậy) có vườn cây ăn trái xum xuê quanh năm.
Một số hình ảnh:
|
Đi Tàu lênh đênh giữa trời nước miền Tây là một trải nghiệm thú vị |
|
Ông lái tàu kiêm hướng dẫn viên du lịch. Nhìn mặt vậy thôi nhưng rất vui tính và nhiệt tình |
|
Tàu, thuyền trên chợ nổi Cái Bè. Những người trên tàu quanh năm suốt tháng lênh đênh sông nước được gọi là dân thương hồ. |
|
Nhìn vào những loại hoa quả treo trên cây sào mà người ta biết thuyền đó bán loại hoa quả gì. Mình đến chợ nổi lúc đã gần trưa nên tàu bè không được tấp nập như buổi sáng sớm. |
|
Nhà thờ cổ ở Cái Bè có tuổi đời trên trăm năm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc |
|
Làng nghề nuôi ong ở Cái Bè, Tiền Giang |
|
Trà mật ong có vị chát đặc trưng của trà, vị ngọt thơm của mật ong và vị chua của quất, cũng khá ngon |
|
Cảnh vườn quen thuộc ở miền Tây |
|
Cửa hàng bán bánh xếp, mít sấy, chuối sấy ở Cái Bè |
|
Dừa nước có ở khắp nơi |
|
Đờn ca tài tử, nét văn hóa đặc trưng của miền Tây |
|
Cô ca sĩ miền Tây duyên dáng và hát rất ngọt ngào |
|
Sầu riêng trên cồn Tân Phong |
|
Mít nè |
|
Cây nhãn sai quả |
|
Bữa cơm trưa của mình có cá lòng tong kho, canh rau cải và rau lục bình (bèo tây) luộc |
Chuyến đi lần này là một lần cưỡi ngựa xem hoa ở sông nước miền Tây. Tuy vậy mình cũng phần nào cảm nhận được nét đẹp tự nhiên và tình cảm của con người ở nơi này. Thời gian có hạn, hẹn gặp lại miền Tây lần sau.
0 nhận xét:
Post a Comment